By: BC Company
Phân tích thị trường / Tin tức mới nhất trang chủ
Comments: Không có bình luận.
Các sản phẩm thực phẩm chức năng của Nhật Bản khá quen thuộc với người tiêu dùng tại Việt Nam với nhiều thương hiệu và khối lượng nhập khẩu gia tăng hàng năm. Tuy nhiên, các sản phẩm từ thị trường như Singapore và Hoa Kỳ vẫn chiếm ưu thế hơn so với những thị trường khác.
Thực phẩm chức năng được nhập khẩu vào Việt Nam từ những năm 2000 và tăng trưởng ổn định qua các năm, cho thấy mọi người ngày càng quan tâm và mong muốn cải thiện sức khỏe. Với mức thu nhập và mức sống tăng lên, mọi người có khả năng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm này. Bên cạnh đó, quá trình già hóa đang diễn ra nhanh chóng, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, do đó mọi người chú ý nhiều hơn đến sức khỏe và khả năng đề kháng. Hơn nữa, lối sống hiện đại và chế độ ăn uống không khoa học khiến cơ thể thiếu chất dinh dưỡng và cần bổ sung thông qua các sản phẩm hỗ trợ. Dự kiến thực phẩm chức năng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai khi mọi người ngày càng nhận thấy những tác động hỗ trợ mà sản phẩm này mang lại.
Tuy giá trị nhập khẩu lớn và tăng lên hàng năm, tỷ lệ giá trị nhập khẩu từ Nhật Bản không nhiều. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Singapore (24,4%), Hoa Kỳ (22,4%), Malaysia (6,1%), Trung Quốc (5,4%) và Hàn Quốc (4,8%), trong khi đó, Nhật Bản xếp thứ 11, chiếm 2-3% tổng giá trị nhập khẩu. Giá trị nhập khẩu từ Nhật Bản đã tăng qua các năm, từ 8,4 triệu USD năm 2013 lên 33,6 triệu USD năm 2022. Tuy nhiên, xét về tỷ trọng giá trị nhập khẩu từ Nhật Bản, năm 2019 đã có sự sụt giảm mạnh (<2%) nhưng sau đó đã phục hồi và tăng trở lại, đạt mức 3% vào năm 2022.
Giá trị nhập khẩu sản phẩm thực phẩm chức năng tại Việt Nam, 2013-2022 (Đơn vị: Tỉ đô la Mỹ, %)
Nguồn: ICT[1] (Mã HS: 210690)
Tại Nhật Bản, các sản phẩm được gắn nhãn là thực phẩm bổ sung không được quản lý và không chịu sự giám sát nào liên quan đến các vấn đề như phương pháp sản xuất, thành phần hoặc nồng độ, cũng như hình thức sản phẩm. Khác với Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU) và Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) đều có khung pháp lý riêng cho dòng sản phẩm này[2]. Một số thương hiệu từ Nhật Bản được người tiêu dùng Việt Nam biết đến như DHC, Orihiro, Unimat Riken, Kobayashi, Itoh, Daiichi Sankyo.
Tại Việt Nam, năm 2017, chỉ 21% dân số Việt Nam sử dụng thực phẩm chức năng, tuy nhiên con số này đã tăng lên trên 60% vào cuối năm 2022. Tuy việc sử dụng thực phẩm chức năng tại Việt Nam ngày càng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày, người tiêu dùng vẫn có những lo ngại về chất lượng sản phẩm. Những sản phẩm này hiện đang được sử dụng chủ yếu thông qua truyền miệng và không được bác sĩ kê đơn chính thức[3]. Theo một cuộc khảo sát người tiêu dùng gần đây của B&Company (vào tháng 3/2024), các lợi ích được người tiêu dùng mong đợi nhất khi sử dụng sản phẩm bổ sung sức khỏe là: Cải thiện sức khỏe tổng thể (75%), Duy trì ngoại hình tốt (18%) và khác (9%). Việc lựa chọn sản phẩm bổ sung dinh dưỡng phụ thuộc vào giới thiệu từ gia đình hoặc bạn bè (74%), người bán hàng (40%), dược sĩ (26%), và địa điểm mua những sản phẩm này cũng thông qua bạn bè/người quen (gần 40%) và nhà thuốc (30%)[4].
Định hướng phát triển bền vững của thị trường sản phẩm thực phẩm chức năng cũng đã được thảo luận tại một hội thảo (vào tháng 12/2022) có sự tham gia của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) và Hiệp hội Sản phẩm Bổ sung Sức khỏe Việt Nam. Vào năm 2022, 60-80% số sản phẩm này trên thị trường Việt Nam được sản xuất trong nước. Cùng với sự phát triển của thực phẩm chức năng, việc quản lý gặp một số khó khăn, đặc biệt là việc đảm bảo chất lượng sản phẩm được bán và chống sản phẩm giả mạo. Bên cạnh các biện pháp xử phạt, vào năm 2021 và 2022, Cục An toàn Thực phẩm đã phát hành nhiều cảnh báo trên trang web vfa.gov.vn, cũng như trên Facebook, YouTube và các nền tảng thương mại điện tử. Năm 2021, 79 cửa hàng và 107 sản phẩm vi phạm đã được xử lý, kiểm tra và gỡ bỏ. Năm 2022, 1.145 cửa hàng vi phạm đã được xử lý[5].
Sản phẩm bổ sung sức khỏe sẽ tiếp tục là một lĩnh vực kinh doanh rất hứa hẹn trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà sản xuất và doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự không đồng bộ trong các cơ chế quản lý, quy định sản phẩm, và quan trọng nhất là xây dựng lòng tin với người tiêu dùng[6].
[1] Trade map: https://www.trademap.org/
[2] Kilala: https://kilala.vn/van-hoa-nhat/nganh-tpcn-nhat-lao-dao-vi-khung-hoang-cua-kobayashi.html
[3] Điều 4, Khoản 10, Thông tư số 52/2017/TT-BYT “Quy định về đơn thuốc và ke đơn thuốc hoá dược sinh phẩm trong điều trị ngoại trú”: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Thong-tu-52-2017-TT-BYT-don-thuoc-va-ke-don-thuoc-hoa-duoc-sinh-pham-trong-dieu-tri-ngoai-tru-372634.aspx
[4] B&Company tổng hợp và nghiên cứu dựa trên báo cáo thực hiện đầu năm 2024
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam – Báo điện tử: https://dangcongsan.vn/kinh-te/phat-trien-ben-vung-thi-truong-thuc-pham-chuc-nang-628150.html
[6] Saigon Economy Online – Tạp chí của Uỷ ban Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh; https://thesaigontimes.vn/thuc-pham-chuc-nang-manh-dat-mau-mo-voi-nhieu-rao-can/
B&Company
Bài viết này đã được đăng trong chuyên mục “Đọc xu hướng Việt Nam” của ASEAN Economic News. Vui lòng xem bên dưới để biết thêm thông tin
B&Company, Inc. Công ty nghiên cứu thị trường của Nhật Bản đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2008. Chúng tôi cung cấp đa dạng những dịch vụ bao gồm báo cáo ngành, phỏng vấn ngành, khảo sát người tiêu dùng, kết nối kinh doanh. Ngoài ra, chúng tôi đã phát triển cơ sở dữ liệu của hơn 900,000 công ty tại Việt Nam, có thể được sử dụng để tìm kiếm đối tác kinh doanh và phân tích thị trường. Xin vui lòng liên hệ với chúng tôi nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay nhu cầu nào. info@b-company.jp + (84) 28 3910 3913 |
[/vc_column_text][/vc_column][/vc_row]