By: B& Company
Bản tin Việt Nam / Tin tức mới nhất trang chủ
Comments: Không có bình luận.
Việt Nam lâu nay đóng vai trò quan trọng trên thị trường nông sản toàn cầu, với ngành rau quả luôn thể hiện sự linh hoạt và tăng trưởng ổn định. Năm 2024, ngành nông sản tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là nhờ vào những thành tựu án tượng trong xuất khẩu sầu riêng.
Tình hình sản xuất rau quả Việt Nam năm 2024 chứng kiến xu hướng tăng trưởng tích cực, tiếp nối đà phát triển ổn định trong những năm gần đây. So với năm 2023, tổng sản lượng rau quả tăng khoảng 3,7%, nhờ vào điều kiện khí hậu thuận lợi và việc áp dụng các công nghệ nông nghiệp tiên tiến. Diện tích trồng rau quả đã tăng đáng kể, trong đó diện tích trồng sầu riêng đạt hơn 151.000 ha vào năm 2024, tăng đáng kể so với 71.000 ha năm 2020. [1]
Diện tích sản xuất sầu riêng tại Việt Nam từ năm 2019 đến năm 2024
Đơn vị: 1.000 ha
Source: thanhnien.vn [2]
Đồng bằng Sông Cữu Long tiếp tục là vùng sản xuất rau quả lớn nhất, chiếm gần 60% tổng doanh thu xuất khẩu. Khu vực này nổi tiếng với đất đai màu mỡ và nguồn nước dồi dào, sản xuất các loại cây trái chủ lực như xoài, chuối và thanh long. Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên trở thành trung tâm của những loại cây giá trị cao như sầu riêng, bơ và cà phê, nhờ vào khí hậu mát mẻ và đất bazan phì nhiêu. Miền Bắc cũng góp phần quan trọng, đặc biệt trong sản xuất vải và nhãn.
Sầu riêng đã trở thành một điển sáng trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Năm 2024, sản lượng sầu riêng đạt 1,43 triệu tấn, tăng gần 25% so với năm trước. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi việc mở rộng diện tích trồng và các phương pháp canh tác tiến bộ. Nhiều nông dân ở Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cữu Long đã chuyển sang trồng sầu riêng do giá trị kinh tế cao và tiềm năng xuất khẩu.
Hình ảnh thu hoạch sầu riêng ở Việt Nam
Source: laodong.vn
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, với tổng kim ngạch xuất khẩu ước tính vượt 7,1 tỷ USD, tăng mạnh so với 4,5 tỷ USD vào năm 2023. [3] Thành tựu này cho thấy khả năng đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm nông sản chất lượng cao của Việt Nam. Các chuyên gia dự báo, nếu đà tăng trưởng này tiếp tục, kim ngạch xuất khẩu có thể vượt 8 tỷ USD vào năm 2025.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các thị trường quan trọng khác bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu. Những quốc gia này có nhu cầu mạnh mẽ đối với rau quả Việt Nam nhờ chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Thị trường xuất khẩu rau quả chính của Việt Nam năm 2024
100% = 7,1 tỷ USD
Source: Inforgraphic.vn [4]
Trong số các mặt hàng xuất khẩu, sầu riêng nổi bật nhất năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này được dự báo vượt 3 tỷ USD, đánh dấu một kỷ lục mới. Thành công này là nhờ nỗ lực của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu nghiêm ngặt từ Trung Quốc, bao gồm tuân thủ Thực hành Nông nghiệp Tốt (GAP) và hệ thống truy xuất nguồn gốc tiên tiến. Ngoài ra, nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc đã khiến sầu riêng trở thành mặt hàng chiến lược trong xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư vào trồng trọt và logistics. Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác bao gồm thanh long (435 triệu USD [5]), chuối (350 triệu USD [6]), xoài (hơn 308 triệu USD[7]) cùng với các sản phẩm chế biến như rau đông lạnh và trái cây đóng hộp.
Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng từ năm 2020 đến năm 2024
Đơn vị: tỷ USD
Source: 60shomnay.vn [8]
Ngành rau quả Việt Nam tiếp tục cho thấy triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024, mở ra nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Một xu hướng đáng chú ý là sự chuyển dịch sang sản xuất rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác. Xu hướng này giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường toàn cầu và tạo nền tảng phát triển bền vững. Chính phủ cũng định hướng khuyến khích sản xuất và xuất khẩu rau quả chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng và doanh nghiệp nâng cao tiêu chuẩn sản xuất. Bên cạnh đó, khi khối lượng xuất khẩu tăng, các ngành hỗ trợ như kho lạnh và vận tải cũng có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Việc tiêu thụ các loại trái cây cao cấp như sầu riêng tiếp tục mang lại cơ hội lớn cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Nhu cầu cao, đặc biệt từ Trung Quốc, cùng với giá bán thuận lợi đã thúc đẩy đầu tư vào trồng trọt và chế biến sau thu hoạch. Bằng cách tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế, Việt Nam có thể củng cố vị thế là nước xuất khẩu trái cây hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, ngành cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Một vấn đề quan trọng là giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu còn thấp, khi phần lớn vẫn là sản phẩm thô với mức độ chế biến và đóng gói hạn chế. Nâng cao năng lực chế biến và bao bì chất lượng cao là yếu tố quan trọng để tối đa hóa lợi nhuận và mở rộng thị trường. Biến đổi khí hậu cũng là một mối đe dọa thường trực, với các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể ảnh hưởng đến chu kỳ sản xuất. Ngoài ra, việc tuân thủ các quy định nhập khẩu nghiêm ngặt tại các thị trường chính đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư liên tục vào cơ sở hạ tầng và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chẳng hạn như yêu cầu kiểm dịch thực vật từ Trung Quốc.
Cuối cùng, Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan và Philippines, đặc biệt là trong thị trường sầu riêng và chuối. Để duy trì lợi thế cạnh tranh, Việt Nam cần đầu tư vào đổi mới, nâng cao thương hiệu và áp dụng các chiến lược tiếp thị hiệu quả để tạo sự khác biệt trên thị trường quốc tế.
Ngành rau quả Việt Nam năm 2024 đã chứng minh là một lĩnh vực năng động và bền vững, đạt được mức tăng trưởng đáng kể trong cả sản xuất và xuất khẩu. Thành công nổi bật của sầu riêng cho thấy khả năng tận dụng cơ hội và thích ứng với nhu cầu thị trường của Việt Nam. Dù vẫn còn nhiều thách thức như biến đổi khí hậu và cạnh tranh, cam kết của Việt Nam đối với chất lượng, bền vững và đổi mới sẽ giúp ngành tiếp tục phát triển.
Khi nhu cầu toàn cầu đối với sản phẩm nông sản tươi và chế biến tiếp tục tăng, Việt Nam có cơ hội mở rộng sự hiện diện trên thị trường quốc tế. Bằng cách giải quyết thách thức và tận dụng cơ hội, ngành rau quả Việt Nam có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với sầu riêng là biểu tượng cho sự xuất sắc của nông nghiệp nước nhà.
[1] https://daidoanket.vn/ha-nhiet-con-sot-mo-rong-dien-tich-sau-rieng-10279727.html
[2] https://thanhnien.vn/nhieu-nong-san-bi-ap-luc-tu-sau-rieng-185240801224951922.htm
[3] Xuất khẩu rau quả năm 2024 lập kỷ lục 7,12 tỷ USD, dự báo sẽ vượt ngưỡng 8 tỷ USD trong năm 2025 – Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới
[4] https://infographics.vn/interactive-thi-truong-xuat-khau-rau-qua-chinh-cua-viet-nam-nam-2024/214303.vna
[5] https://kinhtedothi.vn/xuat-khau-rau-qua-nam-2024-thang-lon.html
[6] https://thuongmaibiengioimiennui.gov.vn/
[7] https://thuonghieuquocgia.congthuong.vn/xuat-khau-xoai-cua-viet-nam-tang-435-366315.html
[8] https://60shomnay.vn/xuat-khau-sau-rieng-viet-nam-can-moc-3-ty-usd.html